Đi qua 63 tỉnh thành với 54 dân tộc trên dải đất hình chữ S của Việt Nam, chúng ta cảm nhận được mỗi vùng miền lại có nền văn hóa đặc trưng riêng biệt. Bài viết hôm nay TẠ THÂM xin đưa các bạn đến vùng đất Thanh Hóa để hiểu được các loại nhạc cụ định âm được sử dụng trong âm nhạc tế lễ, đình, đền, chùa ở vùng đất xứ Thanh. Bài viết có tham khảo tư liệu của nhà nghiên cứu âm nhạc Tạ Quang Động – Hoàng Anh Thái.
1. Đàn nguyệt
Đàn nguyệt thuộc họ dây, chi gẩy, âm khu trung. Mặt đàn làm bằng gỗ ngô đồng hoặc gỗ vông, có đường kính khoảng 36cm. Thành đàn làm bằng gỗ trắc, gụ dày khoảng 6,5cm. Cần đàn làm bằng gỗ dài 69cm. Đàn có 2 trục lên dây bằng gỗ. Hai dây đàn bằng nilon, lên theo quãng 4 hoặc quãng 5. Trên mặt cần và mặt đàn có gắn những phím bấm bằng tre theo thang âm ngũ cung.
Các bộ phận của đàn nguyệt
(1)- Thùng đàn
(2)- Mặt đàn
(3)- Cần đàn
(4)- Dây đàn
(5)- Trục lên dây
2. Đàn tứ
Đàn tứ thuộc họ dây, chi gẩy, âm khu cao. Âm lượng của đàn nhỏ, âm thanh ít vang. Mặt đàn thường làm bằng gỗ ngô đồng, có đường kính khoảng 35cm, thành đàn bằng gỗ gụ dày khoảng 5cm. Cần đàn dài 26cm. Đàn có 4 trục lên dây bằng gỗ, 4 dây đàn bằng nilon. Trên mặt cần và mặt đàn có gắn những phím bấm bằng tre theo thang âm 7 cung.
3. Đàn nhị
Nhị thuộc họ dây, chi cung kéo, hai dây đàn được lên theo quãng 5, âm thanh trong sáng. Các kỹ thuật hay sử dụng là rung, vuốt nhấn. Hộp cộng hưởng của nhị thường làm bằng các loại gỗ cứng như gỗ trắc, gỗ gụ hoặc gỗ sến. Hình dáng của hộp cộng hưởng gồm hai dạng: một là tiện theo hình trụ tròn, hai là ghép theo hình lục lăng hoặc bát giác. Mặt đàn bịt bằng da trăn hoặc da kỳ đà, đôi khi bằng da bò. Đường kính mặt đàn từ 4cm – 7cm. Chiều dài hộp cộng hưởng từ 12cm – 14cm. Cần đàn thường làm gỗ trắc, gỗ sến, có đường kính khoảng 2cm, dài 65cm – 70cm. Hai trục lên dây bằng gỗ. Chất liệu của dây đàn được chia làm 3 dạng: hai dây đàn đều bằng kim loại, hai dây đàn đều bằng nilon, dây trầm bằng nilon, dây cao bằng kim loại. Cung kéo làm bằng tre, trúc hoặc gỗ.
4. Hồ tiểu
Hồ tiểu thuộc họ dây, chi cung kéo, hai dây đàn lên theo quãng 5. Hồ tiểu có âm thanh trầm ấm, ngọt ngào. Các kỹ thuật hay sử dụng là rung, vuốt, nhấn. Hộp cộng hưởng được tiện hoặc ghép bằng gỗ trắc, gụ hoặc mít. Đường kính mặt đàn từ 8cm-9,5cm, chiều dài hộp cộng hưởng từ 12cm-13cm. Mặt đàn được bịt bằng da trăn hoặc kỳ đà. Cần đàn được làm bằng gỗ cứng, có đườngkính khoảng 2cm-2,5cm, dài 65-70cm. Hai trục lên dây bằng gỗ. Dây đàn thường được làm bằng dây nilon. Cung kéo bằng tre, trúc, gỗ. Dây cung kéo làm bằng đuôi ngựa hoặc nilon.
5. Kèn bầu
Kèn bầu thuộc họ hơi, chi dăm kép, có âm thanh lớn, chắc khỏe, vang xa. Kèn gồm các bộ phận: loa kèn, dọc kèn, thắng kèn, dăm kèn. Loa được làm bằng gỗ hoặc mo cau, đường kính miệng loa từ 8cm-14cm. Dọc kèn làm bằng gỗ có đường kính khoảng 3cm, dài từ 23cm-30cm. Thắng kèn làm bằng tre hoặc đồng dài 4cm-6cm. Dăm kèn làm bằng kén sau, sậy, lá dừa. Tổng chiều dài của kèn thường 34cm-43cm. Kèn có 8 lỗ bấm (7 lỗ trên, 1 lỗ dưới).
6. Sáo trúc
Sáo trúc thuộc họ hơi, chi vòm. Sáo có âm thanh trong sáng, bay bổng. Thân sáo được làm bằng ống trúc, có đường kính khoảng 2cm, dài từ 40cm-48cm. Sáo có 6 lỗ bấm và 1 lỗ thổi. Ba ngón tay phải bấm vào ba âm thấp, ba ngón tay trái bấm vào ba âm cao của sáo.
News Category
Other content
- Kỹ thuật chơi đàn Đoản
- Đàn Đoản
- Nhạc cụ của dân tộc Xơ đăng tại tỉnh Kon tum
- Nhạc cụ của dân tộc Giáy tại tỉnh Lào Cai
- Nhạc cụ trong hát ca trù
- Nhạc cụ của dân tộc H’Mông tỉnh Nghệ An
- Nhạc cụ của dân tộc Khơ mú tại tỉnh Nghệ An
- Nhạc cụ của dân tộc Thái tại tỉnh Nghệ An
- Nhạc cụ trong múa then của dân tộc Tày
- Nhạc cụ của dân tộc Giẻ-Triêng (nhóm Triêng) tại tỉnh Kon Tum