Nhạc cụ đệm cho múa dân gian cũng như múa tín ngưỡng Then của dân tộc Tày không nhiều như một số dân tộc khác, nhưng nó có dấu ấn văn hóa rõ nét. Từ xưa, người Tày, Thái vốn có mối quan hệ ngôn ngữ văn hóa nên đã cùng chung trong nhóm ngữ hệ. Đó là ngữ hệ Tày – Thái, mà ngôn ngữ là một biểu hiện một tiêu chí văn hóa. Có lẽ do mối quan hệ, giao lưu văn hóa mà người Tày, Thái đều có chung loại nhạc cụ là đàn Tính (Thái), đàn Then (Tày) và quả nhạc. Cấu tạo, chất liệu, tính năng nhạc cụ đều chung một quy cách và các trường hơp sử dụng tương tự như nhau. Đàn Tính, đàn Then được sử dụng trong các hình thái sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Đặc biệt trong nghi lễ tín ngưỡng Then (dân tộc Tày), tín ngưỡng Kim pang Then (dân tộc Thái), thì đàn Then (đàn Tính) là nhạc cụ chủ yếu cho đệm hát, múa và cả quy trình diễn xướng nghi lễ. Ngoài ra còn có nhạc cụ khác là quả nhạc, thanh la, trống.
Để hiểu rõ hơn, Tạ Thâm xin giới thiệu với các bạn các nhạc cụ trong múa Then của dân tộc Tày. Bài viết có sự tham khảo tư liệu của PGS.TS. Lê Ngọc Canh.
Đàn Then
Đàn Then (đàn Tính) là nhạc cụ quan trọng đệm cho hát, múa, diễn và mọi hoạt động của tín ngưỡng Then. Chính vì đàn sử dụng chủ yếu trong tín ngưỡng Then nên có tên gọi là đàn Then.
Người xưa kể rằng: Thuở xưa có một chàng trai người dân tộc Tày nhà rất nghèo khổ, tên là Xiên Căn (nghĩa là nghìn cân). Cuộc sống lao động vất vả, tăm tối để kiếm sống. Xiên Căn có tầm vóc cao lớn, ăn bao nhiêu cũng không đủ no. Hàng xóm, làng bản cũng là những người nghèo khổ với nhau nên giúp đỡ chỉ có hạn.
Chàng Xiên Căn thấy khổ cực quá, ngày đêm vác đá bắc thang lên hỏi ông trời, cầu xin. Ông trời thương hại Xiên Căn ông ban cho chàng một bầu vú trinh nữ để làm bầu đàn, một cánh tay mượt mà, trắng nõn của tiên nữ để làm cần đàn và ban cho chàng những sợi tóc để làm dây đàn. Mỗi dây đàn mang một ý nghĩa.
Dây trầm vang lên sẽ có cây lúa, cây ngô mọc lên
Dây trung vang lên sẽ có sức mạnh, có sức sống
Dây bổng vang lên sẽ có tình yêu và hạnh phúc.
Từ đó chàng Xiên Căn có cây đàn kỳ diệu làm mê say, quyến rũ muôn loài, muôn vật. Tiếng đàn của Xiên Căn còn làm rung động cả mặt trời, mặt trăng.
Tiếng đàn của Xiên Căn thánh thót trầm bổng làm cho:
Hoa thêm sắc thắm
Cỏ cây xanh tươi
Gió bay nhẹ lướt
Mây lượn theo gió
Suối reo thì thầm
Lúa vàng đâm bông
Ngô vui bắp lớn
Tiếng đàn của Xiên Căn cứ ngân vang mãi theo con suối, dòng sông, vách núi, bìa rừng! Nó không bao giờ ngắt, cứ thánh thót, ấm áp với thời gian, với cuộc sống của người Tày.
Quả nhạc
Quả nhạc được cấu tạo từ chất liệu đồng, trong có hạt để khi lắc rung sẽ tạo ra âm thanh. Quả nhạc chủ yếu tạo ra tiết tấu, nhịp điệu và thực hiện chức năng giữ nhịp, màu sắc.
Thanh la làm bằng chất liệu đồng, đường kính của thanh la khoảng 20-25cm, đánh bằng dùi gỗ. Nó góp phần tạo ra không khí sôi động.
Trống loại nhạc cụ gõ có vai trò quan trọng trong việc thể hiện những điệu múa vui, sôi động hoặc lao động, chiến đấu.
Chiêng (cồng) là loại nhạc cụ gõ bằng đồng, thường sử dụng trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng như hội xuân, hội Lồng tồng. Trong Then ít dùng chiêng (cồng).