Ca trù là hình thức ca – múa – nhạc chuyên nghiệp cổ truyền có tổ chức hoạt động nghệ thuật phường nghề, dưới sự quản lý của nhà nước sớm nhất ở nước ta. Ca trù từ lâu đã trở thành một hiện tượng văn hóa hết sức đặc biệt, tác động mạnh mẽ tới đời sống văn hóa, xã hội người Việt. Đồng thời nó cũng là một hiện tượng nghệ thuật minh chứng rằng: người Việt từ lâu đời đã biết sáng tạo ra những kiệt tác có tầm nhân loại. Để hiểu hơn về hình thức âm nhạc Ca trù của người Việt ta, Tạ thâm xin giới thiệu với các bạn bài viết về các nhạc cụ được sử dụng trong hát Ca trù. Bài viết có sự tham khảo tư liệu của nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan.
Ca trù có 4 nhạc cụ: đàn đáy, cỗ phách, cặp sênh và trống chầu. Đây là các nhạc cụ cơ bản để đệm cho đào nương hát, múa. Không có đàn đáy, không có cỗ phách không thể có âm hưởng Ca trù. Âm hưởng đặc sắc của Ca trù chỉ sinh ra khi có sự tham gia của hai nhạc cụ có tính chuyên biệt này. Người ta không tìm thấy sự tham gia của hai nhạc cụ này trong bất kỳ hình thứ nghệ thuật cổ truyền nào khác.
Đàn đáy
Thùng đàn hình chữ nhật hoặc hình thang. Cần đàn dài. Cả thân và cần đàn dài khoảng 160cm. Cần đàn gắn 10 phím. Vị trí gắn phím từ khoảng giữa cần đàn tới gần mặt đàn. Đàn có 3 dây. Khi đánh dùng que gảy. Que gảy dài chừng 5 đến 7cm.
Người ta đã tìm thấy nhiều bức chạm khắc đàn đáy có từ thế kỷ XV đến XVIII trong các đình, đền ở Bắc Bộ và Hà Tĩnh. Ở Thọ Xuân, Thanh Hóa còn truyền rằng: ngày xưa quanh đền Nhà trò có những cồn đất mang tên các nhạc cụ của Ca trù như Cồn Sênh, Cồn Phách, Cồn Đáy.
Trong bài Âm nhạc Huế - đờn nguyệt và đờn tranh, Hoàng Yến viết: “Đàn Nhà trò thường gọi là đàn đáy. Thùng vuông cần dài 1,2m, nó có 4 dây mà người ta gảy bằng một mảnh tre… Nhạc cụ này dành riêng để đệm cho hát Nhà trò (Ả đào miền bắc). Ngày nay, có nhiều người ở Nghệ An và Hà Tĩnh là tay xuất sắc về đàn đáy vì các Nhà trò đều gốc ở hai tỉnh ấy.”
Những dẫn chứng trên đây chứng tỏ tính chuyên biệt của đàn đáy mà người ta không thay thế, thêm thắt các nhạc cụ khác khi đệm các thể cách hát của ca trù.
Cỗ phách
Cỗ phách gồm có 1 bàn phách, 1 cặp dùi tròn, một đầu to, một đầu nhỏ, trong đó có 1 dùi được dọc làm bằng 2 mảnh gọi là dùi kép.
Hình người ngồi đánh phách trong bức chạm ở đền Tam Lang, xã ích Hậu, tỉnh Hà tĩnh cho chúng ta biết có hai loại phách: phách dài là thanh gỗ, phách ngắn làm bằng gộc tre.
Ngày nay các ca nương hầu hết đều dùng phách ngắn. Bàn phách làm bằng tre hoặc gỗ dài khoảng 20cm, rộng hơn 5cm, cao chừng 2,5 – 3cm. Phách được coi là “giọng hát thứ hai” của đào nương. “Giọng hát” ấy khi ríu rít, lúc dồn dập, lúc khoan thai; khi đối lập, khi đồng điệu với giọng hát đào nương. Phách đã làm cho âm nhạc Ca trù trở nên kỳ ảo và có sức lôi cuốn người nghe.
Cặp Sênh
Cặp Sênh làm bằng hai mảnh gỗ, dài chừng 20 – 25 phân, bốn cạnh vê tròn. Đào nương sử dụng cặp sênh chủ yếu khi hát thờ, hoặc hát múa Bỏ bộ, hát múa Chúc hỗ trong cung đình.
Ngày nay, ở nhiều câu lạc bộ Ca trù miền Trung người ta vẫn theo truyền thống Giáo phường xưa, khi hát múa thờ tay rung cặp sênh rất điêu luyện.
Trống chầu có hai loại: lớn và nhỏ.
Trống chầu lớn là trống để ở đình làng. Khi đào nương hát thờ, quan viên cầm chầu bằng trống lớn kết hợp với chiêng và chuông bát. Âm thanh của những nhạc cụ gõ này làm cho lối hát thờ của đào nương trở nên huyền bí và uy nghiêm.
Trống chầu nhỏ hình dạng giống như chiếc trống đế trong Chèo nhưng lớn hơn một chút, âm thanh ấm và đục hơn. Dùi trống làm bằng gỗ găng hoặc gỗ mai, dài chừng 25 – 30cm gọi là roi chầu. Khi cầm chầu người ta đánh mạnh roi chầu xuống toàn mặt trống. Cách đánh này tạo ra âm sắc đặc biệt vừa cao sang, vừa mạnh mẽ.
Đàn đáy, cỗ phách, cặp sênh, trống chầu (nhỏ) là bộ nhạc cụ đặc trưng của Ca trù. Trong bốn nhạc cụ này, ngày nay các đào nương ít dùng cặp sênh. Đây có thể là sự tinh giản hợp lý khi nghệ thuật hát chơi đạt tới đỉnh cao.