Người Thái còn được gọi là Tày Khao (Thái trắng), Tày Đăm (Thái đen), Tày Mười, Tày Đen (Man Thanh), Hàng Tổng (Tày Mường) hay Thổ Đà Bắc. Họ có mặt trên miền Tây Bắc Việt Nam trên 1200 năm khoảng thế kỷ VII-XIII. Ngôn ngữ của người Thái thuộc hệ ngôn nữ Thái – Kadai. Người Thái tập trung ở nhiều vùng trên đất nước ta.
Tại tỉnh Nghệ An, người Thái có khoảng 284.119 người, chiếm 70,26% dân tôc thiểu số của tỉnh. Họ sống rải rác ở các huyện miền núi Nghệ An, song đông đúc nhất là ở huyện Con Cuông với hai nhánh Thái chính là Hàng Tổng và Man Thanh. Bài viết hôm nay TẠ THÂM xin đưa các bạn đến vùng đất Nghệ An để hiểu được các loại nhạc cụ được người Thái sử dụng trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Bài viết có tham khảo tư liệu của nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Đình Lâm.
Người Thái có đủ các họ nhạc cụ: dây, hơi, tự thân vang và màng rung. Các nhạc cụ này hiện vẫn đang được các nghệ nhân dân gian lưu truyền và phát huy trong sinh hoạt đời thường, các dịp hội hè, lễ tết của họ.
Tập tinh là nhạc cụ dây gảy, chi gõ. Nhạc cụ này do nam giới sử dụng trong sinh hoạt giải trí.
Tập tinh được cấu tạo từ một ống tre dài khoảng 45cm, đường kính khoảng 10cm, hai đầu ống giữ lại mấu. Đàn có sáu dây, trong đó bốn dây giữa lên cách nhau một quãng 3, còn hai dây ngoài cùng gọi là hai dây trống. Gọi là dây trống vì chỉ dùng thanh tre đập để tạo tiết tấu mà không đi giai điệu. Các dây đàn được làm trực tiếp từ thân đàn, bằng cách tách từ phần cật của ống tre. Riêng ở phần giữa hai dây trống người ta khoát một cái lỗ có đường kính khoảng 3cm để thoát âm. Trên đó, người ta dùng một miếng nứa mỏng có đường kính lớn hơn chiếc lỗ không đáng kể, rồi kẹp giữa hai dây trống này. Tất cả các đầu dây đàn và trống đều được chèn những miếng gỗ hoặc tre nhỏ như ngựa đàn ở phần cuối hai đầu dây. Khi diễn tấu, người ta dùng các đầu ngón tay trái để gảy, búng, phối hợp với tay phải cầm một thanh tre nhỏ đập vào ngang dây trống và thành ống đàn tạo những âm thanh phức hợp và độc đáo.
Xò lò là nhạc cụ dây kéo, do nam giới sử dụng, dùng vào mục đích giải trí. Trước đây, nhạc cụ có hai dây làm bằng tơ tằm, hoặc tách trực tiếp từ thân ống như đàn tập inh. Nhưng ngày nay, ngoài việc sử dụng dây bằng kim loại sắt người ta còn bổ sung thêm dây thứ ba cùng chất liệu. Cung kéo làm từ một thanh tre mỏng, có chiều dài khoảng 45cm, rộng khoảng 1cm; dây cung thường được làm từ lông đuôi ngựa nhưng phổ biến là làm từ những sợi cước nhỏ. Đây cũng là một trong những nhạc cụ xuất hiện phổ biến trong đời sống sinh hoạt âm nhạc dân gian của người Thái ở huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Nhạc cụ này ngoài dùng để độc tấu còn có thể sử dụng hòa tấu hoặc đệm cho hát dân ca trong sinh hoạt thường ngày.
Kén (khèn bè) là nhạc cụ hơi thổi, được sử dụng phổ biến trong đời sống sinh hoạt âm nhạc dân gian thường ngày của người Thái. Nhạc cụ này có cấu tạo 14 ống nhưng chỉ có 13 lỗ bấm cao độ, một ống còn lại tạo cho hình dáng nhạc cụ cân xứng. Khèn bè do nam giới sử dụng để độc tấu hoặc đệm cho hát. Vào những dịp lễ hội truyền thống của đồng bào Thái, tiếng khèn được coi được coi như là một đặc trưng không thể thiếu. nó gắn với những điệu múa vui được mùa, múa hát mừng nhà mới… Đối với những chàng trai mới lớn, trước đay, khèn bè còn gọi là phương tiện giúp họ thể hiện tâm tư, tình cảm đối với người mình yêu; khèn là “ông mối” gắn kết đôi trai gái với nhau và giúp họ nên vợ nên chồng.
Pí nhuôn là một loại sáo dọc, dạng lưỡi gà. Pí nhuôn được cấu tạo từ một dóng nứa có đường kính khoảng 1.5cm, chiều dài khoảng 45cm-55cm. Đầu sáo được giữ kns bởi phần mấu. Dưới phần này khoảng 1cm, người ta tách một đoạn vỏ để gắn lưỡi gà bằng đồng dát mỏng. Trên thân sáo người ta đục 7 lỗ bấm cao độ, trong đó một lỗ đầu tiên ở dưới, 6 lỗ còn lại nằm trên. Khi làm các lỗ, người ta thực hiện bằng cách đo từ phần lưỡi gà tới lỗ bấm thứ nhất bằng 5 vòng chu vi của ống nứa. Từ lỗ bấm thứ nhất tới lỗ bấm thứ bảy là 4 vòng chu vi và từ lỗ bấm thứ tư đến lỗ bấm thứ ba bằng 1 vòng chu vi. Hàng âm của pí nhuôn là: a-c1-d1-f1-g1-a1-c2. Âm sắc của pí nhuôn vang và sáng. Người ta thường dùng nhạc cụ này để độc tấu những bài phỏng theo giai điệu của điệu Khắp, Lăm, Nhuôn và các bài bản dân ca khác. Đây là nhạc cụ do nam giới sử dụng, chỉ dùng trong sinh hoạt có tính chất giải trí, không dùng trong tang ma và nghi lễ tín ngưỡng khác.
Tăng pu là nhạc cụ tự thân vang, được cấu tạo từ những ống tre hoặc nứa gài có đường kính khoảng từ 12-15cm, chiều dài trung bình từ 45-50cm. Nhạc cụ này sử dụng trong một số nghi lễ tín ngưỡng của người Thái, nhiều nhất là trong lễ hội Xăng Khăn. Nhạc cụ chủ yếu do nữ giới sử dụng, dùng hòa tấu với cồng chiêng và trống. Âm thanh của tăng pu vang nhờ vào sự nén hơi đột ngột và đặc điểm chất liệu của thân nhạc cụ khi người chơi dỗ, đập xuống đất. Trong mỗi lần hòa tấu, thông thường tăng pu được biên chế từ 4- 6 người, mỗi người cầm hai ống dỗ xuống đất. Ngày nay, tăng pu không những được diễn tấu trong các lễ thức tín ngưỡng, mà nó còn được các nghệ nhân dân gian sáng tạo thêm các phần tiết tấu khác để hòa tấu trong các sinh hoạt có tính chất giải trí.
Khắc luống gồm có loóng (cối giã gạo) và co xạc (chày giã gạo), là nhạc cụ thân vang. Gọi là một nhạc cụ vì trong quá trình thực hiện nó tạo ra nhiều âm hình tiết tấu khá độc đáo và phức tạp. Thông thường sẽ có một nhóm có từ 6 – 8 người, đứng hai bên càm chày vừa giã/gõ, vừa khua vào thành luống để tạo ra những tiết tấu nhộn nhịp. Người Thái ở huyện Con Cuông chơi luống vào các dịp vui như đám cưới, các lễ hội. Khi chơi trong các không gian thiêng là lễ hội, người ta như cầu mong thần linh phù hộ cho một vụ bội thu, người dân trong trong bản làng no ấm và khỏe mạnh.
Luống được cấu tạo từ một thân cây gỗ già thớ xoắn, ít bị nứt ở giữa có chiều rộng khoảng 45cm, chiều dài từ 2,5-3cm. Người ta khoét thân cây gỗ này dưới dạng thuyền, trông cũng gần như chiếc máng nước ngắn. Một đầu đục một cái lỗ để giã gạo. Những chiếc chày giã gạo có chiều dài khoảng 2m, đường kính khoảng 14 cm. Số lượng chiếc chày này nhiều hay ít tùy thuộc vào số lượn người chơi, nhưng thông thường người ta biên chế khoảng 8 người, mỗi người cầm 1 chiếc. Cùng với những người chơi khắc luống, người ta có thể bổ sung một đội múa ở bên ngoài, múa quanh và theo tiết tấu của luống. Bên cạnh đó còn có cồng chiêng và trống cùng hòa tấu cùng với nó. Lúc này, luống vừa với tư cách là nhạc cụ trung tâm, vừa với tư cách là nhạc cụ giữ nhịp chính cho dàn hòa tấu.
Côống (trống) được chia ra làm hai loại là trống đứng và trống dẹt. Trống đứng và trống dẹt có hình dáng cấu tạo như các loại trống lớn và trống bản của người Việt.
Côóng (cồng) thường được sử dụng từ 3 đến 4 chiếc, đều có núm. Khi sử dụng 4 chiếc thì gọi là đủ bộ. Cồng lớn nhất gọi là co ống ch mè có đường kính khoảng 55cm, cái thứ hai gọi là coóng cáng với đường kính khoảng 46cm, cái thứ ba gọi là coóng hán với đườn kính khoảng 40cm, hai cái nhỏ nhất là coóng lực với đường kính khoảng 27cm. Hàng âm của bốn chiếc chiêng là e1-g1-a1-c2. Bốn chiếc này có khi được treo lên giá, nhưng cũng có khi người ta chỉ treo ba chiếc, còn một chiếc cầm trên tay. Côống và coóng thường được dùng trong lễ hội của dân làng.