Đàn Tranh là một nhạc cụ cổ truyền Việt Nam. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, cây đàn tranh vẫn tồn tại và có nhiều phát triển vượt bậc đến ngày nay. Với tư cách là một trong những nhạc cụ sớm góp phần làm nên bộ mặt văn hóa, nghệ thuật riêng và độc đáo của Việt Nam, cây Đàn Tranh đã có sự gắn bó khăng khít, mật thiết với đời sống tâm hồn của nhân dân ta trải qua nhiều thế kỷ.
Với tư thế về kiểu dáng, gọn nhẹ, cơ động…, đặc biệt màu âm giàu sức biểu cảm và khă năng diễn tấu phong phú, từ vị trí là cây đàn “quý tộc” chốn cung đình xa xưa, dần dần đàn tranh ngày càng trở nên gần gũi với đời sống của các tầng lớp nhân dân lao động bình dân bên cạnh nhị, đàn nguyệt, sáo, đàn bầu…và được phổ biến ngày càng rộng rãi, đặc biệt từ sau Cách mạng Tháng Tám đến nay.
Sự ra đời của âm nhạc Tài tử - Cải lương đầu thế kỷ XX, với khối lượng bài bản phong phú và phong cách diễn tấu đặc trưng, đã là mảnh đất tốt cho sự phát triển và phổ biến ngày càng rộng rãi của đàn tranh. Năm 1956, trường Âm nhạc Việt Nam ra đời (nay là Học Viện Âm Nhạc Quốc Gia), đàn tranh cùng với các nhạc cụ dân tộc cổ truyền khác được đưa vào giảng dạy và trở thành bộ môn độc lập thuộc khoa Nhạc cụ truyền thống từ năm 1969, đã tiếp tục chắp cánh cho sức phát triển, có tầm vươn lên cả về nhu cầu học tập, sử dụng, thưởng thức cũng như sự hoàn thiện ngày càng cao trong hình thức cấu tạo nhằm phát huy, mở rộng khả năng diễn tấu với số lượng, chất lượng và nội dung bài bản ngày càng mang tính chuyên nghiệp.
Nói về lịch sử đàn tranh, các nhà nghiên cứu âm nhạc Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến nay, hầu hết đều có chung nhận định: đàn tranh Việt Nam có nguồn gốc từ đàn Gu Zheng (cổ tranh) cổ Trung Hoa và được du nhập vào nước ta khoảng thế kỷ XIII, đời nhà Trần.
Là nhạc cụ gẩy 16 dây, ở miền Bắc thường gọi là Đàn Thập Lục. Ngày nay, trải qua quá trình cải tiến, phát triển, Đàn Tranh còn có các loại 17 dây, 19 dây, 21 dây. Đàn Tranh có phong cách diễn tấu thoải mái, mềm mại, sự sáng sủa, trong trẻo của âm sắc mang vẻ mảnh mai, thảnh thơi, nhiều chất trữ tình.
Đàn tranh Việt Nam có họ hàng xa gần với các cây đàn cùng chủng loại ở châu Á và khu vực. Ngoài Gu Zheng của Trung Hoa nói trên, còn có Kôtô (Nhật Bản), Kayagum (Triều Tiên), Jatắc (Mông Cổ),… điều đó chứng minh quá trình giao lưu, ảnh hưởng qua lại của một không gian, văn hóa nhất định.
News Category
Other content
- Kỹ thuật chơi đàn Đoản
- Đàn Đoản
- Nhạc cụ của dân tộc Xơ đăng tại tỉnh Kon tum
- Nhạc cụ của dân tộc Giáy tại tỉnh Lào Cai
- Nhạc cụ trong hát ca trù
- Nhạc cụ của dân tộc H’Mông tỉnh Nghệ An
- Nhạc cụ của dân tộc Khơ mú tại tỉnh Nghệ An
- Nhạc cụ của dân tộc Thái tại tỉnh Nghệ An
- Nhạc cụ trong múa then của dân tộc Tày
- Nhạc cụ của dân tộc Giẻ-Triêng (nhóm Triêng) tại tỉnh Kon Tum